Học tập, làm theo Bác
và nêu gương của cán bộ, đảng viên
Hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Mỗi năm, Đảng ta đã khéo đề ra những chuyên đề khác nhau về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chỉ rõ cốt lõi của việc học tập, làm theo Bác là “phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên”[1].
Từ định hướng chỉ đạo của Đảng, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xác định đó là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam. Học tập Bác là học chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bác nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"[2]. Học tập Bác chúng ta học phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, học cách xử thế, ứng xử với bạn bè, đồng chí, với người thân, với cán bộ, với nhân dân; học trung với nước, hiếu với dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp quyền lợi cá nhân trong quyền lợi chung với nhân dân, yêu nước, đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước, phấn đấu học tập suốt đời; học đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; học cả đời, học không ngừng, vừa học vừa làm, học để làm, làm để học.
Bác Hồ làm việc
Học tập Bác, chúng ta học chữ hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng ... theo nghĩa rộng nhất, sâu nhất. Những năm tháng đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Bác đã 3 lần gửi thư về thăm tin tức của cha, gửi cho cha những tháng lương đầu tiên từ nghề phụ bếp. Thời gian ở Huế, mẹ Bác mất trong lúc cha vắng nhà, người em Nguyễn Sinh Xin khát sữa khóc đòi đã in đậm trong trái tim Bác, để sau này có lúc nghe tiếng trẻ khóc, Người lại giật mình nhớ tới tiếng khóc của người em năm xưa. Tháng 9 năm 1950, nghe tin người anh trai Nguyễn Sinh Khiêm mất, do hoàn cảnh kháng chiến không thể về chịu tang anh được, Bác đã viết một bức điện chia buồn gửi dòng họ Nguyễn Sinh. Chị gái Nguyễn Thị Thanh qua đời ở quê nhà mà Bác không kịp về chịu tang đã làm Người day dứt. Thời gian ở Việt Bắc, bên bếp lửa hồng, Bác tâm sự với mọi người: “Mình cũng chẳng phải thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người, nhưng với hoàn cảnh này còn điều kiện nào nghĩ tới gia đình... Nhưng thôi, gia đình nhỏ chưa thể được, thì ta lo cho gia đình lớn đi vậy”[3]. Học tập Bác, chúng ta họctinh thần đức khiêm tốn, lòng nhân ái bao la, sự giản dị, bình dị cao đẹp ... Vị Chủ tịch nước khi gặp, thăm hỏi nông dân cũng bỏ dép, xắn quần, lội xuống ruộng, nắm chắc tay gàu sòng tát nước mà không ngỡ ngàng, lúng túng ... Chính tác phong bình dị ấy như có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, làm cho lãnh tụ và quần chúng đến với nhau, hiểu nhau, đồng cảm một cách rất tự nhiên. Học tập Bác, chúng ta học tinh thần tiết kiệm. Người nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”[4]. Bác nhắc nhở chân tình mà vô cùng sâu sắc: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”[5]...
Sinh thời, Chủ tịch Chí Minh rất chú trọng đến việc "nêu gương" của cán bộ, đảng viên. Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhuần nhuyễn, mẫu mực và tự nhiên. Chính bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, Người viết: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"[6]. Cán bộ, đảng viên muốn nêu gương và để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, nói phải đi đôi với làm, "Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới"[7]... Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo ... Tư tưởng và phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là "kim chỉ nam" cho Đảng ta trong công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng "nêu gương", nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về "nêu gương" để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để xứng đáng là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" đúng như lời căn dặn của Bác. Học tập và làm theo Bác để xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân", "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"[8]./.
Nguyễn Ngọc Cơ
Chú thích ảnh : - Bác Hồ làm việc